Bài 1: Bức tranh cung cầu lao động
Đỏ mắt tìm lao động
Tại Bình Dương, theo số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm, từ đầu năm có hơn 3.210 doanh nghiệp muốn tuyển gần 41.000 người, trong đó công nhân, lao động phổ thông chiếm 87%. Còn tại Đồng Nai, chỉ riêng tháng 5, các nhà máy trên địa bàn có nhu cầu hơn 10.700 người, lao động phổ thông chiếm 96%. TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận tình trạng tuyển dụng khó, khi số lao động tìm việc chiếm chưa đến 1/5 nhu cầu tuyển của doanh nghiệp.
"Người ra đi, đầu không ngoảnh lại"
Theo một quản lý trang cộng đồng 58.000 thành viên của công nhân KCX Tân Thuận, đa số lao động đang muốn "chạy luật", chỉ nhận việc thời vụ để chờ rút bảo hiểm. Họ lo sợ luật Bảo hiểm xã hội mới (có hiệu lực vào tháng 7.2025) sẽ chỉ cho phép NLĐ rút 50% số tiền BHXH một lần.
Nhưng đó chỉ là một trong nhiều lý do. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lý do chính yếu là người lao động đã mất niềm tin. Họ thấy việc gắn bó lâu dài với nhà máy không còn ý nghĩa. PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, cho rằng sau những cú sốc như Covid-19, sa thải hàng loạt, người lao động đang chuyển hướng sang công việc mới, ngắn hạn, thời gian linh động với tâm thế "làm chủ cuộc chơi".
Khi đã tìm thấy lựa chọn an toàn và ổn định hơn, rất khó để họ quay lại nhà máy.
Sử dụng lao động cung ứng ngoài - định nghĩa lại phúc lợi nhân sự
Không thể tuyển đủ nhân sự, ngày càng nhiều doanh nghiệp phải tìm đến những bên cung ứng. Ghi nhận từ thực tế tại Green Speed - đơn vị cung ứng với hơn 20.000 lao động: Xu hướng của công nhân hiện nay là muốn nhận tiền công sớm. Đây cũng là lý do công việc thời vụ được ưa chuộng.
Lúc này, mâu thuẫn xuất hiện: Doanh nghiệp muốn xây dựng lực lượng gắn bó lâu dài, trong khi người lao động chỉ muốn việc có tiền ngay.
Công ty cung ứng XL Manpower chia sẻ, từ tháng 4 năm nay, họ đã bắt đầu áp dụng công nghệ trả lương nhanh theo số ngày công, tiền lương thậm chí cập nhật theo ngày - như một chương trình phúc lợi cho lao động có hợp đồng chính thức. Đó là cách doanh nghiệp này thu hút đơn ứng tuyển, và cũng đang là xu hướng được nhiều công ty cung ứng lao động áp dụng, tiêu biểu có JHL Outsourcing, Le & Associates, Green Speed, Tâm Thịnh Vượng, Agari...
Rõ ràng, thị trường lao động đang tự dịch chuyển. Tất cả các bên - người lao động, doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ đều đang điều chỉnh và tìm kiếm giải pháp có lợi.
---